Nắn dòng kiều hối bằng những chính sách tạo ra hấp lực

Việc lãnh đạo thành phố giao Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM chủ trì tham mưu xây dựng đề án “Chính sách thu hút và phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn thành phố” là một chủ trương đúng đắn. 

 

Vấn đề còn lại là bàn cách huy động nguồn lực ấy như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất, hài hòa lợi ích cho cả phía nhà đầu tư tư nhân lẫn lợi ích chung của thành phố.

Screenshot 2024-04-23 044054.png
TPHCM cần hàng trăm ngàn tỷ đồng nạo vét kênh rạch, chỉnh trang đô thị. Ảnh: QUỐC HÙNG

 

Ở đây có 3 vấn đề chính. Thứ nhất, những năm gần đây, lượng kiều hối gửi về nước luôn ghi nhận sự tăng trưởng. Trong đó, TPHCM là địa phương thu hút kiều hối gần như lớn nhất cả nước, thường chiếm trên 50% tổng kiều hối cả nước nhận được.

Tính riêng năm 2023, lượng kiều hối gửi về TPHCM đạt mức 9,46 tỷ USD, lớn gần gấp 3 lần lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cùng năm mà TPHCM thu hút được, quy mô kiều hối bằng khoảng 14% GRDP của TPHCM. Ở góc độ quản lý, vấn đề quan trọng đó là ứng xử như thế nào với lượng kiều hối ấy. Thực tế, thời gian trước, việc hợp tác công - tư (PPP) đã phát sinh một số vấn đề không mong muốn. Chính điều này đã làm hạn chế hiệu quả của mô hình này. Hiện nay, luật về PPP đã có, những hạn chế trên đang được khắc phục và mô hình này đang dần phát triển trở lại, là xu thế chủ đạo trong thời gian tới.

Riêng TPHCM, ở khía cạnh thu hút đầu tư tư nhân đang có nhiều lợi thế hơn các địa phương khác. Năm 2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 98, đồng ý cho TPHCM thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù trong phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, để “định hướng” dòng kiều hối - nguồn lực tư nhân vào những lĩnh vực ưu tiên, TPHCM hoàn toàn có thể chủ động ban hành các chính sách phù hợp.

Thứ hai, “nắn dòng” kiều hối không nên hiểu là “ép”, mà là phải tạo được những hấp lực. Hấp lực đó phải đến từ sự chủ động của chính quyền TPHCM trong việc tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện cơ chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, tạo dựng niềm tin để người dân bỏ tiền ra đầu tư vào những lĩnh vực mà chính TPHCM đang cần. Hành lang pháp lý về đầu tư của chúng ta hiện nay vẫn đang trong quá trình tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện.

Nhưng, TPHCM có lợi thế hơn là có cơ sở để đi đầu trong việc đổi mới cơ chế này, và có thể từ mô hình thành công của TPHCM nhân rộng ra. Cơ sở đó là TPHCM có Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua. Trên cơ sở đó, HĐND TPHCM có thể đưa ra những chính sách sao cho phù hợp với thực tiễn của địa phương mình. Đơn cử, như trong quá trình vận hành, có thể đúc rút ra những cách làm hay, mô hình tốt, từ đó nhân rộng và cụ thể hóa bằng chính sách thu hút đầu tư phù hợp, thậm chí là kiến nghị luật hóa những quy định ấy.

Thứ ba, TPHCM cần phải thu hẹp “độ trễ chính sách”. Hiện nay, một số cơ chế trong Nghị quyết 98 mới chỉ dừng lại ở mức độ chủ trương, vẫn thiếu chính sách cụ thể, trong đó có vấn đề thu hút đầu tư tư nhân. Từ việc “cởi trói” bằng Nghị quyết 98, cùng với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền TPHCM, tin rằng khi nghị quyết được cụ thể hóa bằng những chính sách thực thi mạnh mẽ, chắc chắn vấn đề đầu tư và kinh tế của TPHCM sẽ có triển vọng tốt.

Cuối cùng, lượng kiều hối đổ về TPHCM rất lớn trong năm 2023 và quý 1-2024, ở khía cạnh nào đó cũng cho thấy chính sách, môi trường đầu tư của TPHCM là tốt, có sức hấp dẫn. Vấn đề là cần những chính sách hấp dẫn hơn nữa. Đơn cử, 2 lĩnh vực mà TPHCM đang cần vốn đầu tư hiện nay là hạ tầng y tế và giáo dục. Đây là 2 lĩnh vực mang tính chất đặc thù, vừa đáp ứng ngay nhu cầu của người dân, song cũng vừa phản ánh bản chất, tính ưu việt của một địa phương khi giải quyết được vấn đề liên quan đến an sinh, phúc lợi xã hội.

Khi có cơ chế hấp dẫn, không có lý do gì mà dòng vốn đầu tư tư nhân không chảy vào các lĩnh vực này.

 

LÊ HOÀNG ANH (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội)

Theo SGGP